Hướng dẫn cách SEO blog cũ (Phần 1)

Viết blog không phải là viết một tác phẩm nghệ thuật lớn như Nhà nguyện Sistine nhưng để biến blog của bạn thành một kiệt tác thì đó là cả một nghệ thuật. Blog là sự kết hợp của nội dung hợp thời và nội dung thường xanh.

Nội dung hợp thời tập trung vào các xu hướng, các bài báo tin tức, các sự kiện văn hóa đại chúng. Trong khi đó, nội dung thường xanh lại là các nội dung liên quan và đem lại giá trị trong một khoảng thời gian dài. Nội dung hợp thời thường không mấy khi được cập nhật bởi chỉ sau một thời gian, tin tức ấy đã trở thành một tin tức cũ. Tuy nhiên, việc cập nhật và hồi sinh các nội dung thường xanh trước đó lại có giá trị lớn.

Cập nhật blog cũ có những lợi ích gì?

Cập nhật nội dung blog cũ sẽ giúp bạn đem lại trải nghiệm người dùng tốt hơn và tăng khả năng SEO. Khách truy cập trang web thường mong đợi vào chất lượng nội dung. Họ mong muốn nội dung của bạn có được sự mới mẻ và được cập nhật liên tục. Cập nhật nội dung thường xuyên sẽ giúp nâng cao trải nghiệm của khách truy cập và cả chất lượng trang web của bạn. Những cập nhật này cũng sẽ giúp bạn có được nhiều cơ hội SEO hơn thông qua việc thúc đẩy nhiều lưu lượng truy cập blog, tăng thứ hạng tìm kiếm và tạo ra nhiều liên kết ngược.

Tận dụng các bài đăng cũ và vị thế của các bài đăng này trên trang web có thể giúp các nội dung tốt nhất của bạn tồn tại được lâu hơn. Điều này đặc biệt có lợi khi nội dung của bạn đã có được một lượng truy cập ổn định và tốc độ tăng trưởng của bạn đang có dấu hiệu trì trệ.

John Bonini, Giám đốc Tiếp thị của DataBox cho biết: “Cơ hội tốt nhất để bạn tăng lưu lượng truy cập tự nhiên trong ngắn hạn đó là cập nhật nội dung bạn đã từng đăng tải chứ không (nhất thiết) phải đăng tải nội dung mới.” Cập nhật nội dung cũ có thể giúp bạn tăng thứ hạng trên các trang kết quả của công cụ tìm kiếm (SERP) và thúc đẩy nhiều lưu lượng truy cập hơn vào bài đăng.

Lưu lượng truy cập vào bài đăng cũng đến từ các liên kết ngược. Cần có thời gian bạn mới có được các liên kết ngược tới nội dung mới. Bên cạnh đó, nội dung cũ cũng có ít khả năng nhận được các liên kết ngược mới vì thông tin trên bài đã lỗi thời. Cập nhật bài đăng blog cũ sẽ giúp bạn duy trì được lượng liên kết ngược hiện có tới trang blog và thu hút thêm nhiều liên kết ngược mới bằng cách củng cố giá trị và uy tín của nội dung trên blog bằng những thông tin hiện tại.

Lấy ví dụ về bài đăng trên một blog một năm tuổi có tên “Những nhà hàng tại Charlotte, Bắc Carolina do người thiểu số làm chủ”. Bây giờ, có thể bài viết vẫn còn một chút hữu dụng. Tuy nhiên, nhìn chung, nội dung bài viết đã quá lỗi thời xét trong bối cảnh tình hình kinh doanh của các nhà hàng có nhiều biến động, đặc biệt là trong giai đoạn phải đối mặt với đại dịch COVID-19. Có thể một số nhà hàng trong danh sách không còn mở cửa nữa. Một số nhà hàng do người thiểu số làm chủ khác có thể thế chân những nhà hàng bị đóng cửa kia. Việc cập nhật blog với thông tin hợp thời sẽ ngay lập tức làm tăng giá trị và cải thiện được chỗ đứng của bài viết với người dùng và trên các công cụ tìm kiếm.

 SEO bài viết cũ trên blog không phải là quá trình một sớm một chiều. Dưới đây là một số bước bạn cần thực hiện khi cập nhật nội dung.

Cách hồi sinh blog cũ

Hãy biến bài đăng trên blog của bạn trở thành một kiệt tác. Trước khi hồi sinh bài đăng cũ, bạn cần phải xác định bài đăng nào đáng để bạn hồi sinh? Theo John Bonini, để đạt được các mục tiêu tăng trưởng ngắn hạn, bạn cần cập nhật các nội dung sau đây:

  • Chọn nội dung yếu nhất: Nội dung đã bị phân rã (mất lượng truy cập tự nhiên) với số lượng lớn trong vòng 3-6 tháng qua.
  • Những nội dung gần nổi: Nội dung được xếp hạng ở trang 2 trên các trang kết quả của công cụ tìm kiếm.
  • Nội dung chưa có thứ hạng: Nội dung nhắm tới các từ khóa có ý định người dùng và khối lượng lớn nhưng lại chưa được xếp hạng trên trang kết quả của các công cụ tìm kiếm.
AS.1310 - P.2 - Marketo - Trans.Vân Anh PNP Pic 2.PNG

Bonini cho biết cập nhật nội dung cũ có thể thúc đẩy lưu lượng truy cập tự nhiên tới các bài đăng trước đó đã từng đạt được thành công lớn nhưng hiện tại lại đang bị giảm lưu lượng truy cập, đồng thời giúp nâng thứ hạng nội dung trên trang 2 của trang kết quả của công cụ tìm kiếm. Đối với những bài blog chưa từng được xếp hạng do có các từ khóa có khối lượng lớn và khó, bạn hãy cân nhắc thực hiện một cuộc đại tu hoàn toàn, viết lại và cấu trúc lại toàn bộ nội dung.

Để khôi phục bài đăng blog cũ, bạn nên:

  • Nhắm tới các từ khóa mới.
  • Cập nhật SEO trên trang.
  • Cập nhật nội dung phần thân bài.
  • Xây dựng các liên kết nội bộ tới nội dung mới.
  • Bổ sung và tối ưu hóa các hình ảnh và video mới.
  • Chỉnh sửa định dạng.
  • Sửa lại lỗi đánh máy và cải thiện khả năng đọc.
  • Cập nhật bài đăng blog theo ngày gần đây.
  • Lập lại chỉ mục bài đăng trên blog của bạn với Google.

1. Nhắm tới các từ khóa mới.

Bài viết của bạn đã tồn tại bao lâu? Dựa trên ngày đăng tải ban đầu, có thể đưa ra hai nhận định. Thứ nhất, bạn đã nhắm tới những từ khóa quá khó và có khối lượng tìm kiếm thấp tại thời điểm đó. Thứ hai, bạn chưa có kiến thức SEO để thực hiện nghiên cứu từ khóa.

Khối lượng tìm kiếm là chỉ số cho bạn biết có bao nhiêu người đang nhập một từ khóa vào công cụ tìm kiếm. Số liệu này thường được gọi là Khối lượng Tìm kiếm hàng tháng (MSV), giúp dự đoán lưu lượng truy cập có sẵn cho từ khóa đó. Hãy đánh giá khối lượng tìm kiếm bằng độ khó của từ khóa. Độ khó của từ khóa là thước đo khả năng được xếp hạng trên trang đầu của SERP đối với một từ khóa cụ thể. Độ khó của từ khóa cũng như khối lượng tìm kiếm đều không thể xác định được từ khóa mục tiêu của bạn.

Nếu bài đăng blog của bạn đã được đăng vài năm trước và đồng thời bạn đã có hiểu biết về SEO, về nghiên cứu từ khóa thì độ khó từ khóa và khối lượng tìm kiếm từ khóa mục tiêu của bạn có nhiều khả năng đã thay đổi. Nếu bạn chưa nhận thức được về tầm quan trọng của SEO blog, nội dung của bạn có thể sẽ thiếu từ khóa hoàn toàn. Đây chính là lý do giải thích cho tầm quan trọng đặc biệt của việc nhắm tới từ khóa mới.

Để tìm kiếm từ khóa mới, bạn cần phải:

  • Xác định các thuật ngữ liên quan tới thị trường ngách của bạn.
  • Sử dụng các công cụ nghiên cứu từ khóa để tạo ra các từ khóa mở rộng, có phần mô tả phía sau (long-tail)
  • Chọn từ khóa dựa trên khối lượng tìm kiếm và độ khó của từ khóa.

Hãy cùng thử xem qua quá trình này. Giả sử bạn là một người viết blog về thời trang. Bạn có ý định cập nhật một bài đăng về quần áo theo phong cách thời trang Androgynous (phù hợp với cả nam và nữ). Vậy “Androgynous” sẽ là một thuật ngữ trong ngành làm cơ sở để bạn xác định từ khóa mục tiêu.

Tiếp theo, hãy sử dụng các công cụ nghiên cứu từ khóa. Google Keyword Planner là một công cụ thường được giới blogger và tiếp thị sử dụng. Tuy nhiên, bạn cũng có nhiều lựa chọn khác nữa, chẳng hạn như Ahrefs Keywords Explorer, SEMRush và Soovle. Sau khi nhập thuật ngữ “androgynous” vào các công cụ này, các từ khóa “long-tail” sẽ được tạo ra. Chẳng hạn, khi tìm kiếm bằng Google Keyword Planner cho thuật ngữ này, bạn sẽ nhận được các từ khóa như androgynous style, androgynous clothing, androgynous alternative fashion và hơn 50 từ khóa khác. Khi đã có danh sách các từ khóa có thể sử dụng, việc của bạn là đánh giá độ khó và khối lượng tìm kiếm của các từ khóa này.

Khối lượng tìm kiếm liên quan trực tiếp đến số lượng người đang tìm kiếm từ khóa mục tiêu. Khối lượng tìm kiếm cao đồng nghĩa với việc có thêm khách truy cập. Tuy nhiên, khối lượng tìm kiếm này cũng chịu tác động của độ khó từ khóa. Đây là lý do bạn nên đánh giá cả hai yếu tố đồng thời.

Hãy thử so sánh hai từ khóa “androgynous style” và “androgynous clothing”. Google Keyword Planner cho biết cả hai từ khóa này đều có từ 1.000 – 10.000 tìm kiếm hàng tháng. Do khối lượng tìm kiếm như nhau nên để quyết định nên chọn từ khóa nào, ta cần phải dựa vào độ khó của từng từ khóa. Thông qua Ahrefs Keyword Explorer, có thể thấy từ khóa “Androgynous style” có độ khó là 10. Trong khi đó, từ khóa “androgynous clothing” có độ khó là 34. Bạn cần nhớ rằng độ khó từ khóa cũng là một thước đo để đánh giá khả năng xếp hạng của một từ khóa cụ thể. Do androgynous style có điểm độ khó thấp hơn nên từ khóa này sẽ dễ giành được thứ hạng trên trang kết quả tìm kiếm của công cụ tìm kiếm hơn.

Nghiên cứu từ khóa là một phần quan trọng trong SEO. Tuy nhiên, cập nhật các yếu tố SEO khác trên trang cũng có thể giúp bạn cải thiện xếp hạng nội dung.

2. Cập nhật các yếu tố SEO trên trang

Cập nhật và thực hiện các chiến lược SEO trên các bài blog cũ có thể được thực hiện trên một số khía cạnh quan trọng. Bạn cần cập nhật và tối ưu hóa:

  • Thẻ tiêu đề SEO
  • Thẻ mô tả Meta
  • Tiêu đề bài viết
  • Tiêu đề phụ

Thẻ tiêu đề SEO

Thẻ tiêu đề SEO thường là yếu tố đầu tiên nhận được sự chú ý trên trang kết quả của công cụ tìm kiếm. Thẻ tiêu đề SEO là tên có thể nhấp được của trang web dẫn tới bài đăng. Hãy cập nhật tiêu đề này bằng các từ khóa mục tiêu mới. Bạn cần phải nhớ rằng mặc dù không có giới hạn độ dài thẻ tiêu đề SEO nhưng kết quả tìm kiếm Google thường chỉ thể hiện 70 ký tự đầu tiên. Để tối ưu hóa bài đăng và mức độ liên quan, hãy thêm từ khóa ngay ở đầu tiêu đề.

Thẻ mô tả Meta

Bạn có thể thấy thẻ mô tả meta trên trang SERP dưới dạng văn bản bên dưới thẻ tiêu đề SEO và URL. Phần văn bản này cần phải có từ khóa mục tiêu và phải gợi ý cho người đọc mục tiêu nội dung của bạn. Hãy tạo thẻ mô tả Meta tốt, bắt mắt để khiến người đọc nhấp chuột vào nội dung và tiếp tục tìm đến với một kết quả khác.

Tiêu đề bài viết

Một số blogger không nhận ra rằng thẻ tiêu đề SEO và tiêu đề bài viết không nhất thiết phải giống nhau. Trong khi thẻ tiêu đề xuất hiện trên trang kết quả của công cụ tìm kiếm thì tiêu đề bài viết lại xuất hiện trên trang đích. Hãy cập nhật tiêu đề bài viết bằng các từ khóa mới.

Tiêu đề phụ

Tiêu đề phụ đóng vai trò phác thảo nội dung. Trước khi người đọc quyết định đọc bài đăng của bạn, nhiều người sẽ đọc lướt qua bài để xác định liệu bài viết của bạn có đáng để họ dành thời gian hay không. Bạn cần bổ sung từ khóa vào tiêu đề chính trong nội dung. Khi đó, nội dung của bạn sẽ có tính liên quan hơn và có thể giúp tăng thứ hạng của bạn.

Sau khi thực hiện thay đổi với thẻ tiêu đề, thẻ mô tả meta, tiêu đề bài viết và các tiêu đề phụ, bạn cần chuyển sang phần cần nhiều thay đổi nhất – phần nội dung bài.

3. Cập nhật nội dung

Nội dung bài viết là phần cần cập nhật nhiều nhất. Bạn cần bắt đầu bằng việc viết lại phần giới thiệu và cập nhật phần nội dung còn lại nếu cần. Mọi việc chỉ gói gọn trong hai bước – Loại bỏ nội dung cũ, không hợp thời và bổ sung thêm thông tin hiện tại.

Khi thực hiện xóa nội dung lỗi thời, hãy bắt đầu với nội dung không còn áp dụng được. Hãy xem lại ví dụ về từ khóa “androgynous style” trước đó, giả sử bạn là một blogger thời trang và có ý định viết một bài về phong cách thời trang cho cả nam cả nữ này cùng các biểu tượng phong cách từ mười năm trước. Bài viết giới thiệu về các biểu tượng thời trang như Prince và David Bowie. Cả hai nhạc sĩ này đều đã qua đời vài năm trước và bạn sẽ không thể áp dụng những thông tin về họ trong bản cập nhật bài đăng.

Xóa các nguồn tài liệu cũ khỏi bài đăng cũng là một cách để loại bỏ nội dung lỗi thời. Thế nào là một nguồn tin quá cũ? Theo Đại học Southern New Hampshire (SNHU), bạn chỉ nên sử dụng các nguồn tài liệu được xuất bản trong vòng 10 năm đối với các lĩnh vực nghệ thuật, nhân văn, văn học và lịch sử. Còn với các lĩnh vực có nhịp độ nhanh, chẳng hạn như Marketing và công nghệ thì bạn chỉ nên dùng nguồn được xuất bản cách đây 2-3 năm. Khi xóa các nguồn tài liệu và nội dung cũ, bạn cần phải thay thế chúng bằng các thông tin mới. Đồng thời, trong lúc cập nhật nội dung, bạn cũng cần phải xây dựng thêm các liên kết nội bộ.

Vân Anh – Theo blog.hubspot.com